05/08/2013 05:45:00 PM
(Canhsatbien.vn) -
Cảnh sát biển Việt Nam có chức năng “Quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trên các vùng biển và thềm lục địa của nước ta”. Bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên biển, đảo là nhiệm vụ của CSB được Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó.
Với diện tích gần 3 triệu km2, Biển Đông là biển nửa kín lớn hàng đầu trên thế giới. Biển Đông có tầm quan trọng chiến lược đối với các quốc gia trong và ngoài khu vực, nhưng cũng ẩn chứa nguy cơ xung đột do những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và vùng biển giữa các quốc gia trong khu vực.
Tình hình vi phạm, phạm tội trên biển có chiều hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp, nhất là hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hoá, than khoáng sản trái phép, đánh bắt trộm hải sản của các tàu nước ngoài, ô nhiễm môi trường biển, bão lũ thiên tai diễn biến khó lường.
Lực lượng CSB mới được thành lập, trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân đội mà thường xuyên trực tiếp của Quân uỷ Trung ương - Bộ Quốc phòng.
CSB đã được đầu tư, trang bị nhiều phương tiện, vũ khí kỹ thuật hiện đại, đảm bảo cho CSB đủ khả năng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ trong tình hình mới. Trình độ chuyên môn của cán bộ chiến sĩ tuy chưa thực sự toàn diện song từng bước được nâng lên, kiến thức nghiệp vụ ngày càng được củng cố vững chắc. Những năm qua công tác huấn luyện CSB đã được lãnh đạo chỉ huy các cấp rất coi trọng, đã chủ động khắc phục khó khăn, vận dụng sáng tạo các phương pháp tổ chức huấn luyện với những hình thức phong phú, hiệu quả, góp phần quan trọng trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của toàn lực lượng.
Triển khai thực hiện Nghị quyết 765-NQ/QUTW của Quân uỷ Trung ương, Đảng uỷ Cục CSB đã ban hành Nghị quyết 397-NQ/ĐU ngày 29/3/2013 về “Lãnh đạo nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”. Nghị quyết của Đảng uỷ Cục CSB đã đánh giá chất lượng HLCĐ trong những năm qua và xác định phương hướng lãnh đạo nhiệm vụ huấn luyện CSB trong những năm tới theo tinh thần Nghị quyết 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương.
Quán triệt sâu sắc Nghị quyết 765-NQ/QUTW, vận dụng sát thực vào chức năng, nhiệm vụ CSB, Nghị quyết của Đảng ủy CSB đã nêu rõ các quan điểm, mục tiêu, phương châm chỉ đạo, yêu cầu huấn luyện theo từng đối tượng và những nhiệm vụ chủ yếu.
Huấn luyện CSB phải xuất phát từ đường lối nhiệm vụ quân sự quốc phòng của Đảng; quán triệt cụ thể hóa đường lối quốc phòng toàn dân trong bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Xác định huấn luyện là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của toàn lực lượng. Tổ chức huấn luyện toàn diện, tập trung có trọng điểm vào lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ trên biển, lấy huấn luyện các biên đội tàu CSB làm trọng tâm, hoạt động thực thi pháp luật trên biển làm nòng cốt. Phát huy sức mạnh tổng hợp, ý thức tự lực tự cường, huy động mọi nguồn lực phục vụ huấn luyện; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tiếp thu kinh nghiệm huấn luyện của các lực lượng khác như Hải Quân, Biên Phòng và các lực lượng CSB các nước trong khu vực và trên thế giới.
Huấn luyện cho cán bộ chiến sĩ CSB có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân; có trình độ kỹ thuật, chiến thuật, nghiệp vụ giỏi, năng lực tư duy sáng tạo, quyết đoán, khả năng thích ứng nhanh, hành động kiên quyết, hiệu quả trong xử trí các tình huống, đúng đối sách; nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu; sẵn sàng đánh thắng mọi âm mưu, thủ đoạn của đối phương; bám sát phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”; coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu nghiệp vụ CSB. Kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, pháp luật; gắn chặt học tập lý luận, giáo dục pháp luật với quy trình nghiệp vụ và cải cách thủ tục hành chính.
Quán triệt, thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Quân ủy Trung ương đã nêu trong Nghị quyết 765 đối với nhiệm vụ huấn luyện của CSB là: “Làm chủ VKTBKT, nghiệp vụ chuyên ngành, thành thạo chiến thuật; nắm chắc pháp luật Nhà nước; luật pháp quốc tế và các điều ước quốc tế có liên quan đến biên giới hải đảo; Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong khu vực tuần tra, xử trí linh hoạt các tình huống, đúng đối sách, đúng pháp luật, giữ vững an ninh chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với biển đảo của Việt Nam. Tập trung huấn luyện tinh thông nghiệp vụ phòng chống tội phạm, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển”.
Huấn luyện phải gắn chặt với nội dung, chỉ tiêu và các phong trào thi đua, các cuộc vận động chuyên ngành và đặc biệt phải gắn liền với xây dựng nền nếp chính quy và rèn luyện kỷ luật; xây dựng môi trường văn hóa trong từng cơ quan, đơn vị.
Chú trọng tập huấn cán bộ, chủ động liên hệ với các học viện nhà trường trong và ngoài quân đội, các cơ quan nghiệp vụ của Bộ, lực lượng Cảnh sát biển các nước trong khu vực và trên thế giới, mở các lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ kiến thức, trao đổi kinh nghiệm công tác theo các chuyên ngành, cử cán bộ đi nước ngoài tham gia các lớp học tập do bạn tổ chức.
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của QUTW cũng như Nghị quyết của Đảng ủy Cục và những nhiệm vụ huấn luyện, cần tập trung vào một số giải pháp như sau:
Một là: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, các tổ chức và vai trò người đứng đầu đối với nhiệm vụ huấn luyện, làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, trách nhiệm của người chỉ huy, chính ủy (chính trị viên), các tổ chức quần chúng về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác HLCĐ trong tình hình mới; Xác định rõ huấn luyện là nhiệm vụ trọng tâm, là một trong những điều kiện tiên quyết để CSB hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Kiên quyết khắc phục tư tưởng chủ quan, khoán trắng, xem nhẹ, ngại khó ngại khổ, hạ thấp yêu cầu, bớt xén nội dung, chương trình, thời gian huấn luyện. Chống bệnh thành tích; lấy kết quả huấn luyện là một trong những tiêu chí cơ bản để đánh giá khả năng hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, làm cơ sở để bổ nhiệm, đề bạt, bình xét phân loại cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm dân chủ ở cơ sở, nhất là dân chủ về quân sự, chính trị, phát huy vai trò các tổ chức quần chúng trong công tác huấn luyện của đơn vị.
Hai là: Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động CTĐ, CTCT trong HLCĐ và giáo dục pháp luật. Coi trọng giáo dục nâng cao nhận thức, xây dựng bản lĩnh chính trị, truyền thống, kinh nghiệm công tác, xây dựng niềm tin vào VKTB và niềm tin vào chiến thắng; nâng cao ý thức cảnh giác, giữ bí mật quân sự, bí mật quốc gia, chống bị địch cài cắm, móc nối; ý thức chấp hành nghiêm kỷ luật; tuân thủ quy tắc bảo đảm an toàn trong huấn luyện, diễn tập; thực hiện khen thưởng - kỷ luật nghiêm minh, kịp thời.
Ba là: Xây dựng hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành huấn luyện theo hướng “Tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, không chồng chéo”, phân rõ trách nhiệm cơ quan, đơn vị. Kiện toàn, nâng cao chất lượng cán bộ cơ quan quân huấn các cấp đủ năng lực làm tham mưu, đề xuất trong chỉ đạo, quản lý điều hành huấn luyện. Ưu tiên các đơn vị mới thành lập, đơn vị ở vùng xa. Thực hiện việc quy hoạch, luân chuyển cán bộ huấn luyện. Nâng cao chất lượng huấn luyện tại chức, tăng cường tập huấn, phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu của cán bộ làm công tác huấn luyện.
Bốn là: Tích cực đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp tổ chức huấn luyện, diễn tập; Tăng tỉ lệ thời gian thực hành thực tế trên các vùng biển; luyện tập, diễn tập với nhiều thành phần lực lượng tham gia, nâng cao khả năng hiệp đồng. Đổi mới cách thức tổ chức và phương pháp hội thi - hội thao theo hướng thiết thực, tránh hình thức; tăng cường công tác kiểm tra, phúc tra, đánh giá kết quả huấn luyện. Do đặc điểm hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển, các tàu thường xuyên trên biển dài ngày, nhiều nhiệm vụ đột xuất, nên yêu cầu phải đổi mới công tác huấn luyện; ngoài việc huấn luyện tập trung, cần coi trọng huấn luyện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên biển. Chủ động giao lưu, học tập kinh nghiệm huấn luyện của các quân binh chủng và của CSB một số nước. Tham gia diễn tập tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, khắc phục thảm họa, thiên tai, tuần tra chung trên biển giữa các lực lượng của các nước trong khu vực.
Năm là: Tổ chức tốt việc sơ, tổng kết thực tiễn, từng bước hoàn thiện hệ thống lý luận về khoa học và nghệ thuật quân sự CSB, hệ thống điều lệnh, điều lệ, tạo cơ sở nền tảng cho việc đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp huấn luyện. Tiếp tục bổ sung biên soạn mới, biên dịch, thống nhất hệ thống tài liệu huấn luyện tàu, xuồng, vũ khí, trang bị kỹ thuật phù hợp với sự phát triển của lực lượng. Ứng dụng khoa học công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành huấn luyện. Trong huấn luyện, coi trọng huấn luyện quy trình, quy định, đối sách xử lý các tình huống trên biển.
Ưu tiên bảo đảm ngân sách cho nhiệm vụ huấn luyện đồng thời chủ động khai thác hiệu quả các nguồn kinh phí khác để đảm bảo tốt cả về số lượng và chất lượng vật chất, trang thiết bị huấn luyện. Thực hiện cơ chế bảo đảm “Tập trung, thống nhất, hiệu quả”. Quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả trang thiết bị, đồ dùng, mô hình, học cụ huấn luyện.
Yêu cầu quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và giữ gìn an ninh trật tự trên các vùng biển của Việt Nam ngày càng nặng nề và có nhiều phức tạp có những tình huống diễn biến khó lường. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và xử lý có hiệu quả các khả năng tình huống, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển phải huấn luyện toàn diện; chủ động bổ sung nội dung huấn luyện và đổi mới biện pháp huấn luyện nhằm thực hiện tốt Nghị quyết 765/NQ-QUTW về công tác huấn luyện trong tình hình mới.